Bạn có biết thông qua các mối quan hệ mà bé yêu khám phá chính mình và thế giới xung quanh? Cảm nhận tình yêu thương, sự quan tâm, bảo vệ, động viên từ bạn trước những thời khắc khó khăn sẽ giúp bé hình thành và phát triển cảm xúc xã hội, bao gồm việc xây dựng và nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với những người xung quanh. Đó cũng chính là nền tảng giúp bé phát triển niềm tin, sự đồng cảm, lòng nhân ái, khoan dung để hình thành một nhân cách đẹp.
Theo các chuyên gia về giáo dục đầu đời, cảm xúc xã hội là sự phát triển về tinh thần có được qua các trải nghiệm, nó giúp bé kiểm soát được cảm xúc, hình thành nên các mối quan hệ vững vàng, khám phá và học hỏi – tất cả đều nằm trong pham vi gia đình, cộng đồng và nền tảng văn hóa. Dưới đây là những bí quyết giúp bé phát triển cảm xúc xã hội.
Chăm sóc để đáp ứng nhu cầu của bé
Bạn thường quan tâm đến bé như thế nào? Câu trả lời cho câu hỏi tưởng chừng như ngớ ngẩn này thường là “Có bao giờ tôi rời mắt khỏi chúng đâu!” Thật ra, chúng ta ở bên cạnh bé nhưng không thực sự quan sát những biểu hiện của bé, bao gồm những gì bé đang làm, lắng nghe những gì bé nói, và cách bé tiếp cận thế giới xung quanh. Chúng ta có thể nhận biết được nhiều điều khi dành thời gian quan sát bé, từ đó hiểu được rõ hơn các hành động cũng như nhu cầu của bé, đồng thời việc tạo ra các cơ hội học hỏi và thử thách đúng lúc (scaffolding) sẽ mang đến sự phát triển toàn diện cho bé. Chẳng hạn khi thấy bé nóng giận lúc banh chạy ra xa tầm với, thay vì nhặt banh và trao tận tay, bạn hãy mang banh đăt ở vị trí gần hơn và vừa đủ để bé có cơ hội tự vươn mình với lấy.
Nuôi dưỡng bé với tất cả yêu thương
Những nụ cười hồn nhiên và ánh mắt trẻ thơ chính là sự cảm nhận của bé về tình yêu thương mà bạn dành cho. Sự âu yếm, vuốt ve, hát ru hoặc trò chuyện cùng bé là những khoảnh khắc vô giá và có tầm ảnh hưởng rất lớn với sự phát triển của bé – cung cấp chính xác nhu cầu kích thích sự phát triển của não bộ và truyền tải thông điệp rằng bé là một người rất đặc biệt với bạn. Và khi bé cảm nhận được tình yêu thương, bé cũng sẽ học cách yêu thương người khác như vậy.
Giúp bé giải quyết những tình huống khó khăn
Ở lứa tuổi tập đi, bé bắt đầu nhận thức về cá nhân mình nhưng hiểu được ý nghĩa của việc chia sẻ với người khác là một thử thách cho bé vì trí não bé chưa được phát triển hoàn thiện để hiểu được cảm xúc và quan điểm của người khác. Ở lứa tuổi này bé cũng đang bắt đầu hình thành khả năng tự kiểm soát. Việc bé hành động ngược lại điều bạn nói (“Xe này là của bạn, con đừng lấy nhé!” không có nghĩa là bé không hiểu những gì đươc bảo, thật ra bé hiểu hành động của mình là không nên, nhưng bé cần một thời gian để học cách kiểm soát hành động ấy. Khi bạn giúp bé nhận biết và kiểm soát cảm xúc của mình,dần dần bé sẽ hiểu đươc cách tự giải quyết những khó khăn theo hướng tích cực. Ví dụ khi thấy con không vui và ném banh xuống sàn, bạn đến bên con, nhẹ nhàng nói “Con đang bực mình vì xe con bị hư phải không? Hay là mẹ con mình cùng vẽ tranh trong khi chờ đợi ba sửa nó?”. Với sự hỗ trợ của bạn như thế, trong những lần sau, bé sẽ tự động học được cách giải quyết tình huống và kiềm chế cảm xúc của mình, như mang xe hư cho ba sửa và làm một việc khác (vẽ tranh) trong khi chờ đợi thay vì nóng giận.
Giúp bé hòa đồng, biết giúp đỡ, và nhận biết sức mạnh của ngôn ngữ
Sự quan tâm của bạn đối với bé và những người xung quanh cùng vớiviệc giúp bé nhận biết được giá trị của mình sẽ nâng cao tính thân thiện và hòa đồng một cách đáng kể cho bé sau này. Khuyến khích bé giúp đỡ người khác sẽ tạo bé lòng tin về năng lực bản thân-yếu tố cần thiết trong xây dựng lòng tự trọng, từ đó tránh khỏi sự mặc cảm và ích kỷ. Ngoài ra, cha mẹ nên cẩn trọng trong lời nói của mình. Những định kiến có thể làm bé tổn thương, thất vọng và cảm thấy không được tôn trọng (ví dụ như “Con thật là hư!”, “Con dở quá!”). Đánh giá một cách tiêu cực về tính cách của bé thường dễ dẫn đến chứng tự kỷ ám thị, bởi vì trong suy nghĩ của bé, người lớn là người đáng tin, và bé tin vào sự đánh giá của chúng ta hơn bản thân mình, từ đó bé sẽ có chiều hướng phát triển tính cách của mình theo những nhận định tiêu cực về bé (“hư”).
Giúp bé vượt qua sự thất bại
Trẻ em với lòng tự trọng cao độ có thể biết được những điểm yếu của mình và khi bạn khoan dung với những điểm yếu đó, bạn đang tạo cơ hội học hỏi giúp bé phát triển. Bé không học để thắng hay thua, mà là cách kiềm chế sự ganh đua. Đó là cơ hội để bé nhận biết về những vấp ngã và rủi ro để vươn tới những thử thách và khám phá bản thân.
Hãy nhớ rằng bạn chính là tấm gương đầu tiên của bé
Khi chào đời, bé chưa thể nhận thức về chính mình và bạn chính là tấm gương phản chiếu giúp bé nhận biết hình ảnh và giá trị của bản thân qua từng cử chỉ, hành động, và lời nói. Thật vậy, bạn chính là người xây dựng nền tảng cho bé phát triển trong tương lai.
Nguồn: Zero To Three